Muhammad Radaqat, một người bán rau đang rất lo lắng khi không biết tuần tới sẽ có giá bao nhiêu một củ hành, chứ chưa nói đến việc làm thế nào mà mình có thể mua được nhiên liệu để sưởi ấm ngôi nhà của mình.
“Tất cả những gì chúng tôi được chính phủ nói là mọi thứ sẽ có thể tồi tệ hơn,” Radaqat nói.
Sự lo lắng của anh phản ánh tâm trạng của người dân một quốc gia đang nỗ lực chạy đua để tránh khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Đối mặt với tình trạng thiếu đô la Mỹ, Pakistan chỉ còn đủ ngoại tệ dự trữ để thanh toán cho 3 tuần nhập khẩu. Áp lực đang gây sức ép đối với chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif trong việc xin viện trợ hàng tỷ đô la từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hiện quỹ này đã cử phái đoàn đến nước này để đàm phán.
Đồng tiền của Pakistan (đồng rupee), gần đây đã giảm thêm mức thấp mới so với đồng đô la Mỹ sau khi chính quyền nới lỏng kiểm soát tiền tệ để đáp ứng một trong những điều kiện cho vay của IMF. Pakistan đang trải qua điều mà các nhà kinh tế học gọi là khủng hoảng cán cân thanh toán khi đất nước này đã chi tiêu cho thương mại quá nhiều, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ và gây sức ép lên giá trị của đồng rupee.
Pakistan cũng đang vật lộn với tình trạng tăng giá tràn lan. Ngân hàng trung ương buộc tăng lãi suất cơ bản lên 17% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tiêu dùng hàng năm gần 28%.
Bên đó, lũ lụt lịch sử vào mùa hè năm 2022 cũng dẫn đến những hóa đơn khổng lồ cho việc tái thiết và viện trợ, làm tăng thêm căng thẳng cho ngân sách. Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng cần ít nhất 16 tỉ đô la để đối phó với thiệt hại và mất mát.

Suy thoái kinh tế đã đè nặng lên nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Pakistan, trong khi đồng đô la Mỹ tăng mạnh vào năm 2022 đã gây áp lực lên các quốc gia thường xuyên nhập khẩu khối lượng lớn lương thực và nhiên liệu. Giá của những mặt hàng này đã tăng đột biến do đại dịch và cuộc chiến của Nga và Ukraine.
Tuần này IMF ước tính rằng 15% các quốc gia có thu nhập thấp đã lâm vào cảnh nợ nần, trong khi 45% khác có nguy cơ cao phải vật lộn để đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ. Thêm 25% các nền kinh tế thị trường mới nổi cũng có nguy cơ rủi ro cao. Tunisia, Ai Cập và Ghana đều phải tìm đến gói hỗ trợ của IMF trị giá hàng tỷ đô la trong vài tháng gần đây.

Lạm phát cao chỉ làm tăng thêm khó khăn cho các hộ gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống qua ngày. Giá lương thực trong tháng 1 đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Vừa qua, một người đàn ông ở tỉnh Sindh, Pakistan đã bị thiệt mạng khi tranh một túi bột mì được chính quyền địa phương trao tặng và bị đè chết bởi đám đông hỗn loạn.